Thủ tục giữ quốc tích cho Việt Kiều

Một số người đã có quốc tịch nước ngoài và không còn giữ chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc hộ chiếu Việt Nam. Do đó, trong các giao dịch dân sự, thương mại, lao động tại Việt Nam họ phải dùng hộ chiếu nước ngoài và được coi như người ngoài với một số quyền bị hạn chế nhất định.

Theo một số thông tin hiện nay, có khoảng 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống trên hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ.

giu-quoc-tich-cho-viet-kieu

Trong thời gian vừa qua đã có một làn sóng người Việt Nam định cư tại nước ngoài quay trở lại nước để cư trú lâu dài, đầu tư và làm việc.

Đa số những người trên đều có mong muốn cần được tạm trú/thường trú lâu dài và không phải xin thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam, được quyền mua bán, sử dụng đất đai nhà cửa tại Việt Nam mà không phải cần nhờ người thân tại Việt Nam đứng tên giùm.

Họ cũng muốn được đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư với thủ tục dễ dàng như cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam, được lao động, làm việc tự do cho các công ty tại Việt Nam và được hưởng các quyền khác theo pháp luật quy định.

Nắm được quyền lợi chính đáng trên, Quốc hội đã ban hành luật quốc tịch số 24/2008/QH12 có hiệu lực ngày 01/07/2009 trong đó có một nguyên tắc cơ bản là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn được coi là công dân Việt Nam.

Tuy nhiên luật trên cũng yêu cầu những công dân trên phải liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, trước ngày 1/7/2014. Hết thời hạn này, nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, thì công dân đó sẽ được coi là mất quốc tịch Việt Nam.

Một tin vui cho những người trên là khi đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, thì họ không buộc phải thôi quốc tịch đang giữ và thủ tục đăng ký giữ quốc tịch được coi là khá đơn giản. Chỉ cần khai tờ đơn xin giữ quốc tịch kèm các giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam.

Một số cơ quan ngoại giao của Việt Nam, tại nước ngoài (cụ thể tại Đại sứ quán, Tổng lãnh sứ quán Việt Nam, tại Mỹ) còn nhận và trả hồ sơ qua bưu điện để tiện cho công dân đi lại.

Tuy vậy vẫn còn một thiếu sót là pháp luật hiện hành không quy định thời gian cụ thể để giải quyết vụ việc trên (theo kinh nghiệm thông thường là khoảng 1 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ).

Sau khi nhận giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, các bạn nên tiến hành làm hộ chiếu Việt Nam, tại các cơ quan đại diện ngoại giao.

Với tấm hộ chiếu này, bạn có thể dễ dàng ra vào Việt Nam, mà không cần phải xin thị thực, ký hợp đồng lao động với các công ty Việt Nam, không cần phải xin giấy phép lao động và đăng ký góp vốn, thành lập doanh nghiệp theo thủ tục thông thường.

Để mua nhà, bạn chỉ cần liên hệ với công an phường, xã để đăng ký và được cấp sổ tạm trú tại địa phương như vậy là đủ điều kiện để sở hữu căn nhà do chính mình bỏ tiền ra mua.

Hy vọng với những hướng dẫn trên, các bạn có thể tránh được những phiền toái, tranh chấp phát sinh trong việc nhờ người khác đứng tên nhà cửa, góp vốn, thành lập công ty.