10 Lời Khuyên Phỏng Vấn Xin Visa Du Học Mỹ

Phỏng vấn xin visa du học Mỹ cần chuẩn bị gì để có được kết quả tốt nhất? Đây là câu hỏi mà tất cả du học sinh rất quan tâm, đặc biệt với các bạn lần đầu đi du học. Hãy loại bỏ ý nghĩ thành công hay không là phụ thuộc vào sự may mắn.

Bạn cần thu thập thông tin đủ và chính xác, bạn sẽ nắm chắc câu trả lời trong tay. Khởi Nguyên sẽ tổng kết 10 lời khuyên để bạn có thể tham gia phỏng vấn xin visa du học Mỹ đạt thành công như mong muốn.

>>>Bạn đừng bỏ qua: Lời khuyên chuẩn bị hồ sơ xin visa du học Mỹ

visa-du-hoc-my

1. Điều Lãnh Sự Quán muốn ở bạn:

Khi xin visa du học Mỹ, ngoài việc xem hồ sơ của bạn, Lãnh Sự Quán yêu cầu bạn tham gia buổi phỏng vấn xin visa để một lần nữa kiểm tra mục đích chính của bạn là đi du học chứ không phải vì nguyên nhân khác. Do đó, trong lúc chuẩn bị các thông tin hữu ích cho bản thân bạn cần phải bám sát theo 3 điều sau đây:

  • Bạn thực sự muốn học tập để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm tại Mỹ.
  • Bạn có nguồn tài chính đủ cho việc học tập và sinh hoạt trong thời gian bạn ở Mỹ.
  • Bạn có hoài bão và nguyện vọng phát triển sự nghiệp tại nước nhà sau khi học xong.

2. Thông minh trong cách chọn ngôn ngữ:

Tiếng Anh là căn bản và quan trọng nhất khi bạn chọn du học tại Mỹ. Công cụ này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi điều xung quanh bạn, từ học tập đến sinh hoạt cuộc sống trong suốt quá trình bạn cư trú tại Mỹ. Điều tất nhiên là bạn đã chuẩn bị nền tảng tốt cho ngôn ngữ. Vậy khi phỏng vấn có phải dùng tiếng Anh không? Khả năng ngoại ngữ của bạn rất thành thạo, còn gì tuyệt vời hơn hãy tận dụng thế mạnh này trong cuộc phỏng vấn để tăng sức thuyết phục của bạn.

Nhưng nếu bạn không đủ tự tin để trình bày rõ ràng hơn, cụ thể hơn những điều mình muốn diễn đạt bằng tiếng Anh thì bạn hãy yên tâm chọn phỏng vấn bằng tiếng Việt. Các nhân viên lãnh sự rất thành thạo tiếng Việt, họ sẽ hỗ trợ bạn cách phù hợp nhất để họ có thể thu thập các thông tin cần thiết.

3. Tâm lý sẵn sàng thoải mái:

Đừng quá lo sợ khi đối mặt với công chức lãnh sự. Khẳng định trong suy nghĩ của bạn như thế này: “Người sẽ phỏng vấn tôi chỉ là công chức Mỹ, người đó chịu trách nhiệm hỏi các câu nhằm xác định lại thông tin mà tôi đã khai trong hồ sơ và đảm bảo các điều đó là khớp với câu trả lời của tôi, người đó sẽ không hỏi xoáy sâu vào các vấn đề.

Nếu chẳng may không được lần này, tôi sẽ tiếp tục lần sau, đây không phải kết thúc mà là mở đầu.”Luôn tâm niệm như vậy sẽ giúp bạn tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn để đạt được kết quả tốt.

4. Điểm cộng cho trang phục lịch sự:

Ấn tượng đầu tiên trong buổi tiếp xúc là vẻ ngoài của bạn. Ấn tượng tốt sẽ góp phần tạo nên không khí thoải mái. Vì đó hãy quan tâm đến diện mạo một chút chẳng hạn như đầu tóc gọn gàng, trang phục sạch sẽ, lịch sự mà không cần thiết phải quá trịnh trọng sẽ tạo cho bạn một phong thái tự tin và gây thiện cảm cho người phỏng vấn.

Trong phần trả lời thêm vài nụ cười nhẹ cho thấy bạn có thái độ luôn sẵn sàng giải đáp những điều thắc mắc của nhân viên lãnh sự.

nhung-cau-hoi-phong-van-du-hoc-my

5. Định hướng nghề nghiệp rõ ràng:

Nhân viên lãnh sự cần biết bạn có thật sự muốn học tập tại đất nước của họ hay dùng lý do này để thực hiện mục đích khác nên họ sẽ hỏi các câu liên quan để có thêm bằng chứng như là tại sao bạn chọn học trường này, ngành này tại Mỹ thay vì học tại Việt Nam?

Để có câu trả lời hay nhất bạn hãy trình bày định hướng của mình một cách đầy đủ và ngắn gọn. Những lợi ích mà bạn sẽ có được khi chọn Mỹ là điểm xây dựng nền tảng, mục tiêu phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam. Đó sẽ là bức tranh tương lai mà bạn mong đợi.

6. Kế hoạch học tập khoa học:

Kế hoạch học tập của bạn sẽ củng cố thêm cho mục đính chính của bạn trong thời gian ở Mỹ. Bạn hãy kể về chương trình học tập của bạn: học những gì (nâng cao trình độ tiếng Anh ban đầu, chương trình học chính thức), bắt đầu từ khi nào, kết thúc khi nào, sau khi hoàn thành chương trình học rồi thì thế nào.

7. Chứng minh ý định quay về nước:

Sau khi kết thúc chương trình học và quay về nước là điều mà Lãnh Sự Quán quan tâm đối với những du học sinh. Họ sẽ hỏi về vấn đề sự ràng buộc giữa bạn và quê hương này để chắc chắn rằng bạn sẽ rời khỏi Mỹ. Sự ràng buộc đó bao gồm mối quan hệ gia đình của bạn tại Việt Nam, cơ sở kinh tế gia đình, các tài sản được thụ hưởng, công việc đang có tại cơ quan. Hãy chứng minh bạn có những điều kể trên.

8. Khả năng tài chính là điều kiện tiên quyết:

Một trong những điều gây ảnh hưởng lớn đến quá trình và chất lượng học tập là nguồn tài chính. Chính phủ Mỹ luôn yêu cầu các sinh viên muốn đến đất nước này du học thì phải có đủ tài chính để phục vụ cho việc học và sinh sống để tránh trường hợp bạn nghỉ giữa chừng để lao động kiếm tiền.

Vì thế, nhân viên lãnh sự sẽ rất lưu tâm đến các thông tin chứng minh tài chính đầy đủ, rõ ràng, kiểm chứng được, có nguồn gốc rõ ràng, đủ để nuôi bạn du học và nuôi những người còn lại tại Việt Nam.

9. Bạn đã chuẩn bị cho cuộc sống sinh hoạt tại nước Mỹ:

Cần nắm rõ các thông tin về trường và thành phố bạn sẽ học tập và sinh hoạt khi bạn học tại Mỹ. Dự định về chỗ ở, phương tiện, cách thức đi lại như thế nào, đã chuẩn bị những gì cho cuộc sống xa nhà (kỹ năng, tâm lý), công việc làm thêm để linh động hơn trong chi phí. Hãy sẵn sàng kế hoạch của bạn khi được hỏi đến nhé.

10. Trả lời đầy đủ ngắn gọn :          

Hồ sơ giấy xin visa của bạn được Lãnh Sự Quán xem xét rất kỹ trước khi phỏng vấn nên thời gian gặp trực tiếp bạn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn khoảng từ 3 đến 5 phút. Chính vì thế, bạn phải nắm rõ các thông tin mà mình đã khai trong hồ sơ và trả lời chính xác.

Các nhân viên lãnh sự có thể hỏi lại bất cứ thông tin để kiểm tra chúng có phải là của bạn hay không hoặc hỏi thêm để có đủ bằng chứng thuyết phục. Trong mục phỏng vấn nếu có câu hỏi bạn chưa nghe rõ thì hãy đề nghị họ hỏi lại để bạn có thể trả lời đúng trọng tâm. Lời đáp phải ngắn gọn xúc tích không lan man mơ hồ.